Khám phá Maslenitsa: Lễ hội rực rỡ sắc màu đón chào mùa xuân ở nước Nga

Tổ chức vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, lễ hội Maslenitsa, hay còn gọi là “Tuần lễ bánh kếp”, là một trong những lễ hội dân gian truyền thống đặc sắc và náo nhiệt nhất của Nga. Maslenitsa là dịp để người dân xứ sở bạch dương tiễn biệt mùa đông lạnh giá, chào đón mùa xuân ấm áp và tươi mới. Lễ hội này không chỉ là một sự kiện văn hóa mà còn là biểu tượng của sự tái sinh, hy vọng và niềm vui.

Mỗi năm, ngày tổ chức lễ hội được ấn định khác nhau, phụ thuộc vào ngày tổ chức lễ Phục sinh. Thông thường, ngày bắt đầu của tuần lễ Maslenitsa diễn ra trước lễ Phục sinh 56 ngày. Năm 2025, lễ Phục sinh sẽ diễn ra ngày 20/4, nghĩa là Maslenitsa sẽ bắt đầu vào ngày 24/2 và kéo dài đến hết ngày 2/3.

Maslenitsa - Ngày lễ truyền thống tiễn biệt mùa đông của người dân Nga.

Lịch sử Maslenitsa

Maslenitsa là một lễ hội truyền thống của Nga có từ thời kỳ tiền Kitô giáo, bắt nguồn từ nền nông nghiệp, từ công việc đồng áng của những người nông dân. Lễ hội này mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, tượng trưng cho sự đâm chồi nảy lộc và mong muốn một mùa màng bội thu. 

Ban đầu, đây là một lễ hội mang tính chất ngoại giáo, với các nghi thức liên quan đến việc tôn vinh Yarilo – vị thần Mặt Trời. Theo thời gian, khi Kitô giáo du nhập vào Nga, Maslenitsa dần được chấp nhận và hòa nhập vào truyền thống Chính Thống giáo và vào thế kỷ 18, Giáo hội Chính thống giáo Nga công nhận Maslenitsa là một phần của văn hóa Chính thống giáo. Trong lịch nhà thờ, tuần lễ Maslenitsa được gọi là Tuần lễ phô mai, trong thời gian đó các tín đồ chuẩn bị cho Mùa Chay. Đây cũng là thời gian để mọi người tận hưởng niềm vui, ăn uống thỏa thích trước khi bước vào giai đoạn kiêng khem kéo dài 40 ngày.

Bánh Blin - món ăn tượng trưng cho mặt trời trong Lễ hội Maslenitsa.

Tên gọi Maslenitsa (Ма́сленица) bắt nguồn từ chữ “масло” (maslo) trong tiếng Nga, nghĩa là bơ. Điều này xuất phát từ truyền thống của người Nga trong tuần lễ này – chỉ được ăn các sản phẩm từ bơ, sữa và ngũ cốc, vì thịt đã bị cấm theo quy định của Chính Thống giáo. 

Do đó, bánh Blin – một loại bánh kếp mỏng làm từ bơ và sữa đã trở thành biểu tượng không thể thiếu của lễ hội này. Nếu Tết Việt Nam không thể thiếu bánh chưng, thì Maslenitsa cũng không thể nào thiếu bánh Blin – một loại bánh kếp mỏng, tròn, mềm mịn như ánh nắng đầu xuân và vàng ruộm như ánh nắng Mặt Trời. Người Nga tin rằng ăn bánh Blin trong tuần lễ Maslenitsa sẽ mang lại may mắn và hạnh phúc tràn đầy!

Du học sinh Việt Nam hoà mình vào lễ hội dân gian đặc sắc

Lễ hội Maslenitsa – sự kiện truyền thống đậm đà bản sắc Nga – đã trở thành một trải nghiệm khó quên đối với cộng đồng du học sinh Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là dịp thưởng thức những chiếc bánh Blin thơm ngon hay tham gia các trò chơi dân gian, đây còn là cơ hội để các bạn trẻ hiểu sâu hơn về văn hóa và đời sống của người dân xứ bạch dương.

Bạn Hương Giang, du học sinh tại Trường Đại học Tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga (RUDN), hào hứng chia sẻ: “Từ lâu, mình đã mong muốn được trải nghiệm không khí Maslenitsa thực thụ. Tham gia lễ hội năm nay, mình cảm nhận rõ nét sự náo nhiệt, nồng hậu của người dân Nga và thực sự hòa mình vào không gian văn hóa truyền thống nơi đây”.

 

Bạn Hương Giang, du học sinh Việt Nam tại Nga hào hứng chia sẻ về trải nghiệm tham gia lễ hội

Hàng năm, vào thời điểm diễn ra lễ hội, CLB “Vi vu đi” tổ chức cho các thành viên tham gia trải nghiệm thực tế, ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng qua hình ảnh và bài viết truyền thông nhằm lan tỏa không khí lễ hội đến cộng đồng du học sinh Việt Nam tại Nga. Thông qua những nội dung này, CLB giúp các bạn sinh viên có thêm góc nhìn chân thực về phong tục, ẩm thực và nét văn hóa đặc trưng của nước Nga, góp phần thúc đẩy sự kết nối và hội nhập sâu rộng hơn vào văn hoá, truyền thống nước sở tại.

Tuần lễ Maslenitsa

Lễ hội Maslenitsa thường bắt đầu vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3 và sẽ diễn ra trong một tuần, bắt đầu từ thứ hai và kết thúc vào ngày chủ nhật. Năm nay Tuần lễ tiễn mùa Đông bắt đầu từ ngày 24/02 đến 02/03; bao gồm hai giai đoạn chính đó là giai đoạn “Uzkaya Maslenitsa” (Maslenitsa Hẹp), các gia đình bắt đầu chuẩn bị cho lễ hội diễn ra từ thứ hai đến thứ tư. Giai đoạn “Shirokaya Maslenitsa” (Maslenitsa Rộng) sẽ kéo dài từ thứ năm đến chủ nhật với các hoạt động náo nhiệt diễn ra trên khắp nước Nga.

Mỗi ngày trong tuần lễ Maslenitsa đều mang một ý nghĩa và hoạt động riêng biệt, tạo nên một chuỗi sự kiện văn hóa đa dạng và đầy màu sắc. Mở đầu lễ hội là thứ hai mang tên Ngày “Gặp gỡ”, người Nga sẽ chuẩn bị hình nộm, khu trượt tuyết, sân chơi băng và mời bạn bè, người thân đến tham gia. 

Thứ ba – Ngày “Tán tỉnh”, vào ngày này các chàng trai, cô gái cùng nhau trượt băng, cưỡi ngựa, tham gia trò chơi dân gian và các buổi gặp mặt do gia đình tổ chức để tạo cơ hội nên duyên. Thứ tư là Ngày “Lễ hội ẩm thực”, ngày này mọi người sẽ cùng nhau thưởng thức bánh Blin với nhiều loại nhân phong phú như mật ong, kem chua, cá hồi, trứng cá muối, thịt hun khói.

Bước vào giai đoạn Đại lễ là thứ năm – ngày “Vui chơi hết mình”, các hoạt động náo nhiệt như thi kéo co, lễ hội hóa trang, đốt lửa trại và các trò chơi dân gian càng làm không khí thêm phần sôi động.

Người dân Nga háo hức tham gia các trò chơi truyền thống

Thứ Sáu là ngày “Tiệc của mẹ vợ”. Vào ngày này, mẹ vợ đến nhà con rể dự tiệc Blin, thể hiện sự gắn kết gia đình và chúc phúc cho cuộc sống hôn nhân. Thứ bảy là ngày tụ họp chị dâu, em chồng. Cô dâu trẻ mời họ hàng nhà chồng, trước hết là chị dâu đến thăm nhà. Đây cũng là dịp để gia đình gắn kết và thể hiện sự tôn trọng giữa các thế hệ.

Vào chủ nhật, ngày cuối của tuần lễ – “Ngày tha thứ”, vào ngày này mọi người gửi lời xin lỗi, tha thứ cho nhau và cùng tham gia nghi thức đốt hình nộm Maslenitsa – tượng trưng cho sự tiễn biệt mùa đông và đón nhận những điều tốt đẹp của mùa xuân.

Cô Dasha Shutova chia sẻ về ý nghĩa độc đáo của “Ngày tha thứ”

Cô Dasha Shutova, một người dân Mát-xcơ-va, chia sẻ: “Vào ngày cuối cùng của Tuần lễ tiễn mùa Đông, người Nga có truyền thống nói với nhau 2 từ ‘xin lỗi’ và ‘hãy thứ lỗi cho tôi’, kể cả khi tôi không có lỗi với bạn hay chúng ta không quen biết, còn bạn sẽ trả lời ‘Chúa sẽ tha thứ’. Việc này có ý nghĩa là mỗi người đều có thể phạm sai lầm, nhưng vào ngày này mọi lỗi lầm đều được tha thứ”.

Kết thúc lễ hội là tục đốt hình nộm độc đáo, một biểu tượng tạm biệt cái lạnh, cũng như bỏ đi mọi thứ cũ kỹ và khó chịu đã xảy ra trong cuộc sống năm vừa qua. Hình nộm được trang hoàng đủ màu sắc và đốt trước sự cổ vũ reo hò của những người tham dự.

Đốt hình nộm người rơm Maslenitsa là một nghi thức quan trọng nhằm khép lại tuần lễ và phần tro được rải trên các cánh đồng để cầu mong vụ mùa năm tới sẽ bội thu

Lễ hội Maslenitsa là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người Nga. Đây là dịp để mọi người cùng nhau vui chơi, tận hưởng những món ăn ngon và chào đón mùa xuân tươi đẹp. Nếu có cơ hội đến Nga vào thời điểm này, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm lễ hội Maslenitsa độc đáo và đầy màu sắc này.

Add a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *