Phạm Ngọc Giang: Hành trình ngọt đắng để chinh phục giấc mơ âm nhạc

     Ngày 16/12/2024 vừa qua, anh Phạm Ngọc Giang, Ủy viên Ban Chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại Nga vừa vinh dự nhận được giải II Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế dành cho nhạc sĩ trẻ mang tên D.B.Kabalevsky lần thứ 29. Diễn ra lần đầu vào năm 1961, Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế dành cho nhạc sĩ trẻ mang tên D.B.Kabalevsky đã trở thành một trong những sự kiện được cộng đồng âm nhạc Nga mong đợi nhất. Cuộc thi năm nay được tổ chức nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của D.B. Kabalevsky, kỷ niệm 220 năm ngày sinh của người sáng lập nền âm nhạc cổ điển Nga M.I. Glinka

     Đến với cuộc thi năm nay là 235 sinh viên đến từ 38 quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Belarus, Việt Nam, Ý, Trung Quốc,… tham gia tranh tài tại các hạng mục “Piano”, “Violin”, “Cello”, “Hát solo hàn lâm”, “Sáng tác” và“Âm nhạc học”. Trải qua 3 vòng thi, vượt qua 51 thí sinh đến từ các quốc gia khác nhau trên thế giới, anh Phạm Ngọc Giang đã bước vào vòng chung kết. Tại đây, anh đã lựa chọn bản Concerto Piano số 2, Op.16 của Sergei Rachmaninoff, một trong những tác phẩm viết cho piano và dàn nhạc vĩ đại nhất của nhà soạn nhạc tài ba Rachmaninoff, để trình diễn cùng với dàn nhạc Samara Philharmonic và nhạc trưởng Vladimir Dobrovolsky. Với màn thể hiện này, anh đã xuất sắc nhận được giải II Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế dành cho nhạc sĩ trẻ mang tên D.B.Kabalevsky lần thứ 29

Anh Phạm Hồng Giang tại cuộc thi Âm nhạc Quốc tế dành cho nhạc sĩ trẻ mang tên D.B.Kabalevsky lần thứ 29

     Tuổi trẻ tại Nga đã có cuộc trò chuyện thân mật với anh Phạm Ngọc Giang về những thành tựu hết sức ấn tượng của anh trên chặng đường theo đuổi giấc mơ âm nhạc.

PV: Xin chào anh Giang, cảm ơn anh đã nhận lời mời tham gia phỏng vấn ngày hôm nay. Lời đầu tiên, em xin chúc mừng anh về giải thưởng cao quý mà anh vừa nhận được. Anh hãy giới thiệu đôi nét về bản thân cho quý độc giả có thể hiểu thêm về anh nhé!

Anh Phạm Ngọc Giang: Lời đầu tiên, xin chào Trung tâm Truyền thông Sinh viên tại Nga, anh là Phạm Hồng Giang, đang theo học chương trình Tiến sĩ biểu diễn, ngành Nghệ thuật tại Nhạc viện Mát-xcơ-va mang tên Tchaikovsky và là nghiên cứu sinh ngành Âm nhạc học tại Viện Văn hóa Mát-xcơ-va.

Anh đã theo đuổi nghệ thuật được 13 năm, ở Nga được 8 năm kể từ khi được Nhạc viện cử đi học vào năm 2016. 

PV: Sau hành trình 13 năm theo đuổi đam mê âm nhạc và vừa nhận được giải II Cuộc thi Âm nhạc Quốc tế dành cho nhạc sĩ trẻ mang tên D.B.Kabalevsky lần thứ 29, cảm xúc của anh như thế nào? 

Anh Phạm Ngọc Giang: Trước khi dành được giải thưởng này, anh đã từng đạt được nhiều giải thưởng đều trước khi Covid – 19 diễn ra. Sau Covid, mọi thứ đều thay đổi, nên đối với anh, quyết định tham gia cuộc thi lần này sẽ là một lần chơi cuối cùng. Cuộc thi này được tổ chức hai năm một lần, và vào năm 2022, Giáo sư của anh tại Nhạc viện đã nói anh chuẩn bị cho cuộc thi năm 2024, chuẩn bị tinh thần cho một cuộc thi khốc liệt vì có đại diện từ hơn bốn mươi quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia. Được giải là ước mơ của mọi người nhưng thực sự anh cũng không hy vọng gì nhiều, nhưng cuối cùng lại được thành tích cao như vậy nên anh rất vui.

PV: Theo em được biết thì Concerto Piano số 2, Op.16 của Sergei Rachmaninoff là bản nhạc nổi tiếng có độ khó cao. Đâu là lý do anh quyết định chọn bản nhạc này cho phần dự thi của mình? 

G: Concerto Piano số 2, Op.16 của Sergei Rachmaninoff là một trong những bản nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại. Anh nghĩ đây là một lựa chọn rất khôn ngoan đối với bất kì thí sinh nào khi tham gia cuộc thi Piano cùng dàn nhạc, và bởi vì đây là một cuộc thi của Nga. Sergei Rachmaninoff là một nhạc sĩ vĩ đại người Nga, nên khi tham gia cuộc thi, anh đã ưu tiên lựa chọn một tác phẩm có khả năng bộc lộ được tinh thần của người Nga, đặc điểm và tính cách của họ thông qua bản nhạc mình chơi mặc dù bản thân không phải là người Nga. Đây cũng chính là điều đã ghi điểm đối với ban giám khảo và chính là lý do tại sao mà anh chọn bản nhạc này.

Anh lựa chọn nước Nga vì nơi đây là cái nôi của âm nhạc của thế giới, là niềm mơ ước của tất cả mọi pianist để được học tại ngôi trường Nhạc viện Tchaikovsky. Nhân cơ hội này được trình diễn trên một sân khấu quốc tế lớn, được vào đến tận chung kết thì anh cũng quyết định chọn tác phẩm này để thể hiện tình yêu với âm nhạc Nga và đất nước Nga đến cho người Nga.

PV: Sau 8 năm học piano ở Nga thì anh nhận thấy rằng đâu là sự khác biệt lớn nhất giữa môi trường piano chuyên nghiệp tại Nga và tại Việt Nam?

Anh Phạm Ngọc Giang: Nền âm nhạc piano Việt Nam cũng đang còn khá non trẻ. Nhạc cổ điển du nhập vào Việt Nam chỉ từ sau năm 1900,  phát triển hơn từ lúc mà Trường Âm nhạc Việt Nam ra đời vào năm 1958. Tuy nhiên, anh có thể khẳng định rằng nền âm nhạc Việt Nam sẽ còn trên đà phát triển mạnh mẽ hơn nữa. 

Nếu so sánh, trường phái piano Nga là một trong những trường phái piano mạnh nhất trên thế giới, đã có từ lâu đời và là cội nguồn của âm nhạc cổ điển Đối với anh, đây là một vinh dự đặc biệt khi được sống ở trong môi trường hòa nhạc cổ điển như thế này, khi  được học những kỹ thuật hay là được là cảm thụ âm nhạc từ những thầy cô huyền thoại của trường phái piano Nga.

PV: Mục tiêu của anh trong hành trình theo đuổi cuộc thi này nói riêng và trong suốt hành trình theo đuổi nghệ thuật ở Nga ạ?

Anh Phạm Ngọc Giang: Anh luôn trong tâm thế là phải có giải để tên đất nước Việt Nam mình ở trên cái bảng vinh danh người chiến thắng, đó là mục tiêu và điều anh tâm đắc khi đã làm được ở riêng cuộc thi này.  Trong suốt hành trình sang Nga, anh luôn luôn nung nung nấu một mục đích duy nhất, đó là cố gắng trau dồi, học hỏi, thu thập được những tinh hoa của trường phái âm nhạc Nga nói chung và trường phái piano Nga nói riêng; để mình có thể mang về Việt Nam, để truyền lại những những cái tinh hoa ấy cho những sinh viên ở Việt Nam. Đó cũng chính là mục đích duy nhất và là mục đích hiện tại của anh từ năm 2016 cho đến nay. Anh luôn luôn muốn rằng mình có thể mang những tinh hoa của đất nước Nga về để cống hiến, để vun đắp cho âm nhạc cổ điển Việt Nam và cho những sinh viên Việt Nam đang theo đuổi nó.

Anh Phạm Ngọc Giang biểu diễn tại chương trình nghệ thuật chào mừng kỉ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

PV: Đâu là thách thức lớn nhất trong chặng đường theo đuổi nghệ thuật của anh, thưa anh Giang?

Anh Phạm Ngọc Giang: Thách thức lớn nhất đối với những sinh viên học đàn nói riêng và các sinh viên nghệ thuật nói chung, anh nghĩ đó là thời gian. Anh đã theo đuổi bộ môn này được 13 năm nhưng vẫn chưa học xong, nhưng đó là anh bắt đầu học đàn còn khá muộn. Để có thể được một tiếng tỏa sáng trên sân khấu thì người nghệ sĩ phải đánh đổi 1.000 tiếng để tập luyện. Dường như mình phải phải đặt cả cuộc đời của mình vào việc luyện tập và trình diễn nghệ thuật, và nhiều người không thể làm được việc đấy. Đến tận bây giờ, sau khi chiến thắng được nhiều cuộc thi rồi thì anh mới có thể thấm thía câu có công mài sắt có ngày nên kim ấy. Đương nhiên là không dễ dàng, nhưng mà mình cứ cố gắng làm hàng ngày hàng ngày thôi thì mình sẽ có thể tiến xa hơn rất nhiều và gặt hái được nhiều thứ mình mong muốn. 

PV: Theo anh thì sau nhiều sự hy sinh, Âm nhạc đã trả lại cho anh điều gì ?

Anh Phạm Ngọc Giang: Sau 26 năm cuộc đời, triết lý sống của anh mà anh cũng nhận thấy ở mọi người là chúng ta luôn làm làm thế nào để có thể sống hạnh phúc nhất. Có những người học tập, kiếm tiền để có thể mua được niềm vui hoặc niềm hạnh phúc. Anh cảm thấy rất may mắn vì đã tìm được niềm hạnh phúc của mình, không phải đến từ đồng tiền mà đến từ chính sự đam mê của mình đấy, từ chính những cái giây phút mà mình được tỏa sáng trên sân khấu, những giây phút hoan hô, vỗ tay không ngớt, không cho mình đi vào cánh gà. Anh nghĩ đó chính là những cái giây phút hạnh phúc nhất cuộc đời của anh.

PV: Theo quan điểm của anh thì mục đích của nghệ thuật trong xã hội là gì? 

Anh Phạm Ngọc Giang: Thời gian trôi qua, anh nhận ra nghệ thuật chính mang niềm vui đến cho mọi người và mình chính là những người có thể làm được điều đó. Anh cảm thấy rất vui và tự hào khi mà mình chính là những người mà mang được cảm xúc đến với mọi người thông qua âm nhạc, có thể khiến mọi người cười và hạnh phúc, những thứ đôi khi tiền cũng không làm được. Nghệ thuật phục vụ cho hạnh phúc con người. 

PV: Trong thời điểm hiện tại, dường như ta có nhiều cái cách để tiếp cận với âm nhạc nói riêng và giải trí nói chung hơn. Vậy thì anh có cho rằng là piano cổ điển đang bị đe doạ? 

Anh Phạm Ngọc Giang: Trong thời đại bây giờ, cái mà mạng xã hội và công nghệ có thể mang đến nhiều nhất chính là rất là âm nhạc đại chúng. Âm nhạc thị trường thuận tai nghe, dễ nghe, dễ hiểu. Âm nhạc cổ điển có phần trừu tượng và khó hiểu, có những người hiểu rồi và thích rồi thì sẽ thấy rát hay nhưng sẽ có những người cảm thấy nhạt nhòa, sáo rỗng. Tuy vậy, phần lớn công chúng sẽ là không thích nghe vì nó mang tính biểu tượng, khó nghe hơn bình thường và khó hơn nhiều so với âm nhạc thị trường bây giờ. Anh cũng cảm thấy chạnh lòng khi mà dòng nhạc của mình đang theo đuổi dường như đang bị thụt dần so với thời đại bây giờ. Tuy vậy, âm nhạc cổ điển lại được chia riêng thành một tầng lớp âm nhạc khác, luôn được đặt lên hàng đầu. Những thứ đang trôi nổi, những thứ theo xu hướng thì sẽ chết dần còn âm nhạc cổ điển thì sẽ luôn sống mãi và trường tồn như nó đã từng làm từ trước đến nay.

PV: Định hướng của anh sau khi trở về Việt Nam sẽ là gì ạ?

Anh Phạm Ngọc Giang: Âm nhạc Nga có những truyền thống rất hay mà ở Việt Nam chưa làm hoặc làm ít. Mỗi năm, học sinh của từng lớp piano sẽ phải lên biểu diễn cho một buổi hòa nhạc lớn, và đây là nơi  tạo ra kinh nghiệm cho các sinh viên. Anh cũng muốn mang những truyền thống ấy về với âm nhạc Việt. Bên cạnh đó, anh muốn được cống hiến ở Nhạc viện Hà Nội đấy, anh muốn được cống hiến tất cả những gì mà mình đã đạt được, anh muốn tạo ra nhiều  festival âm nhạc hơn nữa, tạo ra nhiều buổi biểu diễn, concert âm nhạc, tạo được môi trường cho các sinh viên có thể được tỏa sáng và sống trong môi trường âm nhạc cổ điển như anh đang sống bây giờ. 

PV: Anh có thể đưa ra một vài lời khuyên và động viên tinh thần tới các bạn sinh viên đã, đang và sẽ tham gia học tập tại Liên bang Nga, đặc biệt là các bạn sinh viên đang phấn đấu theo đuổi con đường Piano chuyên nghiệp như anh không ạ?

Anh Phạm Ngọc Giang: Anh nghĩ là trong ngành nghề nào cũng vậy thôi, ta không thể nào thiếu được sự trau dồi, học tập và rèn luyện thì. Anh nghĩ đó là điều quan trọng nhất: rèn luyện, rèn luyện và rèn luyện. Chỉ có như thế mới có thể có được thành công, và cũng đừng quên ước mơ. Hãy cứ ước mơ đi, nếu bạn ước mơ đủ và rèn luyện đủ, chắc chắn là là sẽ có một ngày cái ước mơ của bạn thành hiện thực.

Anh Phạm Ngọc Giang tại Đại hội Đại biểu Hội Sinh viên Việt Nam tại Nga lần thứ nhất

PV: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ rất là quý báu vừa rồi. Chúc các dự định trong tương lai của anh trở thành hiện thực!

Add a comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *